Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Vũ Văn Tám tại Thông báo kết luận số: 9186/TB-BNN-VP ngày 01/11/2017, Ban quản lý các Dự án nông nghiệp phối hợp Tổng cục Thuỷ sản tổ chức Đoàn công tác tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm công tác quản lý cảng cá, công tác quản lý môi trường tại cảng cá đặc biệt kinh nghiệm trong vấn đề xử lý nước thải từ ngày 13/12 đến ngày 16/12/2017. Đoàn tham quan gồm có đại diện Ban quản lý các dự án Nông nghiệp, Ban quản lý trung ương dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD), Tổng cục Thuỷ sản và đại diện Ban quản lý tỉnh dự án CRSD tại 9 tỉnh dự án: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Sóc Trăng và Cà Mau do ông Lê Văn Hiến, trưởng Ban quản lý các dự án Nông nghiệp làm trưởng đoàn.
Đoàn công tác tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm công tác quản lý cảng cá, công tác quản lý môi trường tại cảng cá
Đoàn đã đến làm việc và tham quan tại cảng cá Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận và cảng cá Cát Lở, tỉnh Bà rịa – Vũng Tàu. Tại đây, Đoàn được các Ban quản lý cảng cá nhiệt tình giới thiệu, trao đổi kinh nghiệm và tham quan thực tế hoạt động quản lý tại cảng cá, cũng như hệ thống xử lý nước thải, công nghệ xử lý và trạm quan trắc môi trường tại cảng cá. Rất nhiều câu hỏi trao đổi nội dung về mô hình quản lý cảng cá hiệu quả, công tác quản lý môi trường tại cảng cá, công nghệ xử lý nước thải, phương thức thu phí ….để vừa đảm bảo hoạt động hiệu quả tại cảng cá vừa đảm bảo vệ sinh môi trường được đặt ra từ các thành viên trong đoàn và đều được đại diện Ban quản lý các cảng cá Phan Thiết, Cát Lở nhiệt tình trao đổi, giải đáp.
Một số hình ảnh hoạt động trong chuyến tham quan học tập
Chuyến tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm công tác quản lý cảng cá, công tác quản lý môi trường tại cảng cá lần này thực sự có ý nghĩa. Thông qua việc tham quan, trao đổi và học hỏi thực tế việc áp dụng mô hình quản lý cảng cá, mô hình quản lý môi trường tại cảng cá, được tận mắt chứng kiến thiết kế cũng như công nghệ xử lý nước thải tại cảng cá Phan Thiết và Cát Lở, các tỉnh dự án CRSD có được nhiều kinh nghiệm hay về mô hình quản lý đảm bảo kinh phí duy tu, bảo dưỡng cảng cá; về mô hình quản lý vệ sinh môi trường từ việc thu phí xử lý nước thải thông qua việc thu phí sử dụng nước ngọt, công tác quản lý nguồn đầu vào để giảm thiểu lượng chất thải như việc quy định tại cảng Cát Lở cấm xả nước thải xuống sân cảng, đường đi, bờ kè, thiết kế nhà phân loại dốc; công nghệ vi sinh xử lý nước thải; quy trình xử lý nước thải hiệu quả nhưng giảm thiểu chi phí vận hành… để hoàn thiện việc đầu tư nâng cấp, hệ thống quản lý tại 21 cảng cá/ bến cá đang được dự án CRSD thực hiện.