Khơi dòng vốn vay cho nông nghiệp
Nhiều DN, nhất là ngành hàng lúa gạo, chưa có đủ điều kiện về vốn để đầu tư ứng trước cho nông dân, cũng như tổ chức hệ thống thu mua nên vẫn dựa vào thương lái. Tựu trung là cả DN và nông dân đều thiếu vốn đầu tư mở rộng sản xuất.
Việc khơi thông nguồn vốn vay từ Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) được xem là cần thiết trong lúc này.
Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều biện pháp chỉ đạo ngành ngân hàng ưu tiên tập trung vốn cho nông nghiệp và thực tế, các chính sách tín dụng đã có tác động mạnh mẽ trong việc khơi thông nguồn vốn cho khu vực nông nghiệp, nông thôn phát triển.
Khơi dòng vốn vay cho nông nghiệp
Thiếu vốn đầu tư
Tuy nhiên, như nhận định của ông Lê Văn Hiến, Trưởng ban Quản lý các dự án nông nghiệp, Giám đốc Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT), thực tế cho thấy, chính sách tín dụng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Quy mô nguồn vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn nhỏ và thấp so với nhu cầu. DN vẫn khó tiếp cận nguồn tín dụng để phát triển, mở rộng sản xuất.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An (Cần Thơ) cho rằng, chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn quá khiêm tốn, nói chính xác thì với những chính sách hiện tại đối với doanh nghiệp thì gần như chưa có gì để đầu tư vào một ngành có nhiều rủi ro và lâu hoàn vốn như là nông nghiệp.
Ông Phạm Thái Bình cũng cho biết, nguyên nhân khiến các doanh nghiệp không muốn thực hiện cánh đồng lớn là do thiếu vốn đầu tư, thanh toán cho nông dân khá lớn trong cùng một thời điểm (cung ứng vật tư đầu vụ và thanh toán tiền lúa khi thu hoạch đồng loạt).
Cũng theo ông Bình, vốn đầu tư hạ tầng để phục vụ cánh đồng lớn khá lớn, thu hồi chậm, nhiều rủi ro. Áp lực bị thua lỗ do cạnh tranh không lành mạnh từ đa số các doanh nghiệp khác không thực hiện cánh đồng lớn mang lại…
Chính vì vậy, việc tìm giải pháp khơi thông dòng vốn cho nông nghiệp đã được đưa ra bàn luận nghiêm túc tại Hội nghị Thúc đẩy dòng vốn tín dụng (Hợp phần lúa gạo) diễn ra tại TP. HCM ngày 2/3 do Ngân hàng Thế giới (WB) và VnSAT tổ chức. Bởi lẽ, cả DN và nông dân đều thiếu vốn đầu tư mở rộng sản xuất, cho nên những vướng mắc trong vấn đề vốn vay cần sớm được tháo gỡ “nút thắt”.
Và, dự án cho vay vốn vào nông nghiệp từ VnSAT được cho là sẽ góp phần xua tan bớt những khó khăn của DN và nông dân trong vấn đề vốn vay. Được biết dự án có tổng số vốn tương đương 301 triệu USD, bao gồm 237,292 triệu USD vốn vay từ WB, 28,788 triệu USD vốn đối ứng của Chính phủ, 35 triệu USD từ vốn tư nhân.
Dự án này được thực hiện trong giai đoạn 2015 - 2020 tại 13 tỉnh, gồm 5 tỉnh vùng Tây Nguyên là Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và 8 tỉnh vùng ĐBSCL là An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng và Tiền Giang.
Định hướng chiến lược của dự án là hỗ trợ triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Chính phủ thông qua tăng cường năng lực thể chế của ngành, đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cho hai ngành hàng lúa gạo và cà phê tại hai vùng sản xuất hàng hoá chủ lực của Việt Nam là ĐBSCL và Tây Nguyên.
Trong khuôn khổ dự án, một phần vốn tín dụng tương đương 105 triệu USD được cho vay thông qua Ngân hàng bán buôn BIDV, để cung cấp các khoản vay trung và dài hạn thông qua các định chế tài chính tham gia (PFI).
Cần khơi thông
Trước những vướng mắc trong vấn đề vốn vay, Hội nghị Thúc đẩy dòng vốn tín dụng (Hợp phần lúa gạo) lần này đã hướng sự tập trung cho 8 tỉnh ĐBSCL, hướng tới hỗ trợ cho các DN trên địa bàn, với các nội dung xoay quanh cơ chế cho vay.
Đồng thời, giới thiệu các ngân hàng PFI chính thức thuộc hệ thống bán lẻ ngân hàng cho DN, gồm: Agribnak, VPBank, Ngân hàng Hợp tác, Ngân hàng Phương Đông, Techombank, Ngân hàng An Bình.
Bà Trần Anh Thư, Giám đốc Ngân hàng BIDV Chi nhánh Sở Giao dịch 3, cho biết mục tiêu của VnSAT là hỗ trợ thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó, ưu tiên cho hai ngành hàng chủ lực của Việt Nam là lúa gạo tại ĐBSCL và cà phê ở Tây Nguyên.
Theo bà Thư, ở cấp độ ngành nông nghiệp, dự án này sẽ hỗ trợ tăng cường năng lực cho các cơ quan nhà nước trong việc nghiên cứu, thiết kế, chuyển giao công nghệ cho nông dân, triển khai và giám sát quá trình tái cơ cấu và đổi mới ngành nông nghiệp.
Kết thúc hội nghị, ông Lê Văn Hiến nhấn mạnh: Năm 2017, toàn dự án phải làm việc nghiêm túc, hết mình, khó khăn ở đâu chúng ta sẽ cùng tháo gỡ, phải kiên quyết khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp để họ là đầu tàu tiên phong đưa hạt gạo vủa Việt Nam tiến ra thị trường thế giới ở phân khúc chất lượng cao.
Được biết, dự án của VnSAT sẽ hỗ trợ trực tiếp khoảng 140.000 hộ nông dân trồng lúa ở ĐBSCL tiếp cận, áp dụng công nghệ tiên tiến và liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, lợi nhuận của nông dân trên mỗi ha dự kiến sẽ tăng thêm 30%.
Đối với khu vực Tây Nguyên, khoảng 630.000 hộ nông dân sẽ được tiếp cận, áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác bền vững, tái canh cà phê và tăng thu nhập khoảng 20%.
Tuy nhiên, có thể thấy một số khó khăn trong khuôn khổ dự án này. Qua 9 tháng triển khai vay lại nguồn vốn tại BIDV thì hợp phần lúa mới giải ngân được 10 tỷ đồng/tổng nguồn là 1.210 tỷ đồng. Nhìn vào con số giải ngân trên, bà Trần Anh Thư cho biết do hệ thống ngân hàng đang giai đoạn tái cơ cấu nên việc lựa chọn rất chặt chẽ và kỹ nên đối tượng tham gia còn hạn chế.
Hơn nữa, như nhận định của một số lãnh đạo ngân hàng là các PFI, khó khăn còn nằm ở chỗ thị trường lúa gạo trầm lắng đã làm giảm nhu cầu đầu tư nâng cấp/mở rộng nhà xưởng của DN. Chưa kể, việc xây dựng thương hiệu cho lúa gạo Việt Nam chưa xứng tầm với giá trị sản xuất và xuất khẩu cũng là một thách thức lớn trong việc giải ngân vốn vay.