|
Hội nghị Tổng kết năm 2017 và Triển khai kế hoạch năm 2018 – Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) |
Sáng ngày 22/3, tại Tp. Cần Thơ, Ban chỉ đạo Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả sau 2 năm triển khai thực hiện dự án.
Với tổng số vốn lên đến 301 triệu USD, Dự án VnSAT được kỳ vọng là “Đại dự án” của Ngành nông nghiệp sẽ mang lại sự chuyển biến tích cực đối với quá trình Tái cơ cấu toàn ngành thông qua các hoạt động: rà soát và xây dựng chiến lược Tái cơ cấu đối với 10 ngành hàng xuất khẩu trên 1 Tỷ USD của Việt Nam đó là: Lúa gạo, Cà phê, Tiêu, Điều, Cao Su, Gỗ, Sắn, Trái cây, Cá tra và Tôm.
Trong đó, riêng hai ngành hàng Lúa gạo và Cà phê trong 2 năm triển khai thực hiện Dự án VnSAT đã khẳng định kết quả tác động rõ nét thông việc thay đổi nhận thức, hành vi của người nông dân, các doanh và các thành phần liên quan đến việc hình thành các chuỗi giá trị ngành hàng tại hai vùng Tây Nguyên và ĐBSCL.
Thông qua dự án gần 166.200 nông dân đã được đào tạo về kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến, kỹ thuật canh tác và tái canh cà phê bền vững. Đồng thời đã thực hiện trên 150 điểm trình diễn phục vụ các lớp tập huấn kỹ thuật lúa, cà phê. Các kỹ thuật, công nghệ lựa chọn áp dụng đều hướng tới sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, nâng cao chất lượng, an toàn và hiệu quả, giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường sinh thái. Thông qua hoạt động này, chi phí sản xuất đối với lúa gạo giảm xuống từ 7 – 12% và đối với cà phê giảm xuống từ 10 – 15% từ đó nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh Đồng Tháp nhận định: “Sau 2 năm triển khai thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiệu quả mà dự án mang lại là rõ rệt. Thông qua hoạt động đào tạo kỹ thuật bà con nông dân đã cập nhật được những kỹ thuật canh tác mới vừa giúp giảm chi phí sản xuất, vừa nâng cao năng suất lại bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó gắn với Dự án này, Đồng Tháp cũng đang tiến hành tái cơ cấu thủy lợi và hình thành những cánh đồng thông minh được điều khiển bằng công nghệ thông tin.”
Dự án đã hỗ trợ thành lập, củng cố 64 TCND sản xuất tiên tiến, bền vững và tiến hành hàng loạt các hoạt động hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực cho Ban lãnh đạo, điều hành TCND/HTX như: đào tạo tập huấn, hỗ trợ nhà kho, sân phơi, trạm bơm và các trang thiết bị cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế sau thu hoạch.
Ban chỉ đạo, Ban quản lý dự án các tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp và cơ chế thích hợp để mời gọi, khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, các tổ chức tín dụng tham gia liên kết, hợp tác với các TCND vùng dự án để cung cấp dịch vụ đầu vào (giống, vật tư, vốn), thu mua sản phẩm (lúa gạo, cà phê) phục vụ chế biến, xuất khẩu. Tính đến tháng 12/2017, tổng số diện tích lúa được các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm là 23.000ha, (mục tiêu dự án là 50.000ha canh tác lúa bền vững được bao tiêu sản phẩm).
Với phương pháp tiêp cận đa chiều và chú trọng mối liên kết 4 "Nhà", giữa các hộ dân, giữa các doanh nghiệp, giữa các địa phương trong vùng, Dự án VnSAT đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ đối với hai ngành hàng xuất khẩu chiến lược của Việt Nam là lúa gạo và cà phê.
Tại Hội nghị Thứ Trưởng Bộ Nông nghiệp Lê Quốc Doanh – Trưởng ban chỉ đạo dự án đã quyết liệt chỉ đạo: “Nội dung hoạt động của dự án trong 3 năm còn lại (2018 - 2020) rất lớn, đây cũng là giai đoạn gấp rút mà Ngành nông nghiệp phải tập trung cao độ thực hiện thắng lợi Đ��� án tái cơ cấu Ngành đã được Chính phủ phê duyệt. Dự án VnSAT cần tăng tốc để về đích đúng mục tiêu kế hoạch, đóng góp tích cực cho công cuộc tái cơ cấu chung của toàn Ngành.”