Các đồng chí Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Y Giang Gry Knơng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk; Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam đồng chủ trì hội thảo.
Tại hội thảo các đại biểu là lãnh đạo chính quyền, chủ doanh nghiệp, nhà khoa học tiêu biểu trên lĩnh vực cà phê trong nước và quốc tế trình bày tham luận làm rõ lợi ích kinh tế; trao đổi kinh nghiệm từ chọn giống, làm đất, đến trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, rang xay để cho ra sản phẩm cà phê đặc sản...
|
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Đắk Lắk và Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam chủ trì hội thảo. |
Các tham luận của các vị khách quốc tế như: “Thị trường cà phê đặc sản Nhật Bản”; “Những ảnh hưởng của phương pháp sơ chế đến công nghiệp cà phê đặc sản và giá cả của Malaysia”; “Hiện trạng và kinh nghiệm phát triển cà phê đặc sản ở Indonesia”, đã làm rõ thế nào là cà phê đặc sản, lợi ích kinh tế từ cà phê đặc sản mang lại. Ngoài ra, các tham luận: “Chất lượng thử nếm của các giống cà phê trồng tại Việt Nam”; “Tổ chức sản xuất cà phê nhân đặc sản”; “Kinh nghiệm và đề xuất trong phát triển thị trường cà phê đặc sản Việt Nam”; và “Một số đề xuất phát triển cà phê đặc sản Việt Nam”, của các nhà quản lý, và nhà khoa học, chuyên gia trong nước tập trung làm rõ những vấn đề Việt Nam cần thực hiện trước mắt và lâu dài, từng bước nâng cao tỷ trọng sản lượng cà phê đạt chất lượng cà phê đặc sản.
Hội thảo thống nhất, về mặt vĩ mô cần có quan điểm, chính sách phù hợp để khuyến khích người sản xuất, nhà chế biến, rang xay, phân phối thích nghi, hưởng ứng phát triển cà phê đặc sản; đồng thời đưa ra bộ tiêu chí, tiêu chuẩn chuẩn trong đánh giá chất lượng, xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản. Phát triển cà phê đặc sản là hướng đi đúng mà các nước trên thế giới cũng như Việt Nam đã và đang thực hiện, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người sản xuất, chế biến, tiêu thụ mà còn là đòi hỏi chính đáng mà thị trường tiêu thụ, người tiêu dùng trong nước và thế giới đang đặt ra.