Trong số mười một đối tác trong TPP, Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Peru là những nước lần đầu tiên Việt Nam đạt được thỏa thuận về thương mại tự do và có những bước cắt giảm thuế lớn. Nhật Bản là đối tác Việt Nam đã từng có 2 thỏa thuận Đối tác kinh tế, cũng đạt được thỏa thuận thương mại tự do đối với nhiều dòng hàng hóa mà Việt Nam có lợi ích xuất khẩu, cải thiện lớn so với 2 Hiệp định Đối tác kinh tế trước đây. Australia, New Zealand và Malaysia, Singapore, Brunei là những đối tác Việt Nam đã có Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Australia – New Zealand và Hiệp định ATIGA.
Với Hoa Kỳ và Canada, Việt Nam đạt được thỏa thuận tiếp cận thị trường đáng kể với khoảng 98% và 99% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nông sản; 92,68% và 100% kim ngạch xuất khẩu thủy sản; 100% kim ngạch xuất khẩu gỗ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với Việt Nam.
Tham gia Hiệp định TPP, ngành nông nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn khi phải chịu sức ép cạnh tranh lớn với hàng nhập khẩu. Tuy cắt giảm thuế nhưng nhiều nước vẫn còn hàng rào phi thuế cao. Các quy định khác của Hiệp định TPP về bảo vệ bản quyền (giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc thú y), lao động, nguồn gốc xuất xứ, bảo vệ môi trường … cũng rất chặt chẽ. Đặc biệt, đối với những ngành kém lợi thế, sức cạnh tranh yếu sẽ bị thiệt hại ở nhiều mức độ khác nhau.
Để tận dụng triệt để cơ hội mà Hiệp định TPP mang lại, giảm thiểu tác động của các thách thức đã và đang phải đối mặt trong quá trình hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, Bộ Nông nghiệp và PTNT xác định các nhóm giải pháp chính như: Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa nông lâm thủy sản Việt Nam; Tăng cường nhân lực; Nâng cao năng suất lao động; phát triển lực lượng lao động tiên tiến phục vụ cho ngành; Đẩy nhanh quá tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu; Khẩn trương hoàn thiện môi trường chính sách; Nâng cao năng lực thực thi pháp luật và các quy định khác; Nâng cao năng lực phân tích và dự báo thị trường; Nâng cao khả năng vận dụng cam kết và các biện pháp được áp dụng trong các FTAs; Tăng cường năng lực cho Hiệp hội ngành hàng và Doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế.