Ngày 21/2, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã đến kiểm tra và chỉ đạo công tác chống hạn ở tỉnh Bình Thuận.
Hiện nay, nắng hạn đang diễn ra gay gắt tại tỉnh Bình Thuận. Lượng nước tích trữ ở tất cả các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn còn khoảng 111 triệu mét khối, chỉ đạt xấp xỉ 51% dung tích thiết kế. Vì thiếu nước, tỉnh Bình Thuận chỉ đủ bố trí sản xuất khoảng 18.700 ha lúa đông xuân, phải cắt giảm hơn 15.400 ha so với cùng vụ năm ngoái.
Đến nay, đã có khoảng 50 ha lúa bị chết. Hơn 460 ha lúa, hoa màu ở huyện Đức Linh thiếu nước trầm trọng do lưu lượng xả từ nhà máy thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi tụt thấp. Nhiều nhà máy nước ở Hàm Tân và Tánh Linh chuẩn bị ngưng hoạt động vì thiếu nguồn cấp. Hơn 40.000 hộ dân của tỉnh đang thiếu nước sinh hoạt hằng ngày.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, nếu hạn hán tiếp tục kéo dài, dự kiến có khoảng 168 ha mì ở Hàm Tân và 3.000 ha lúa trong kế hoạch ở các xã vùng cao huyện Tánh Linh và nhiều diện tích cây lâu năm của tỉnh sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Vụ đông xuân này, bên cạnh chuyển đổi hơn 1.350 ha đất lúa sang trồng các loại cây ngắn ngày khác, tỉnh Bình Thuận đã khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm cho gần 10.000 ha cây trồng cạn. Ngoài ra, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp tích cực nhằm giảm thiểu thiệt hại do hạn hán.
Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh Bình Thuận cho biết: "Các ngành chuyên môn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các địa phương đánh giá lại tài nguyên nước. Trên cơ sở đó bố trí lại lịch thời vụ và sử dụng nguồn nước một cách hợp lý nhất, giảm thiệt hại cho nhân dân".
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đánh giá cao công tác chủ động phòng chống hạn hạn trong thời gian qua của tỉnh Bình Thuận. Theo dự báo, trong thời gian tới, hiện tượng El Nino tiếp tục diễn ra khốc liệt, mà Bình Thuận là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề.
Trên cơ sở nguồn nước tích trữ được, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu tỉnh Bình Thuận sử dụng thật tiết kiệm, đồng thời chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, nhất là giảm diện tích lúa.
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: "Chỗ nào nếu không trồng lúa mà không trồng được gì vì tập quán hay vì nhiều lý do thì bắt buộc chúng ta trồng lúa. Còn theo tôi, bây giờ phải có quan điểm là, chỗ nào hiện nay đang trồng lúa mà chuyển được qua các loại cây trồng khác thì nên hướng dẫn nhân dân chuyển đổi mạnh. Và câu chuyện không phải năm nay. Năm ngoái bị hạn rồi, năm nay bị rồi, còn đó những năm tiếp theo như thế nào nữa, theo tôi càng ngày sẽ có xu hướng càng có hiện tượng như thế này".
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đã thống nhất với các đề nghị tỉnh Bình Thuận như: kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ địa phương hơn 106 tỷ đồng khắc phục hạn hán (gồm: hạt giống khôi phục sản xuất, kinh phí cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, nạo vét kênh mương, tu sửa công trình thủy lợi trong vụ đông xuân và các công trình chống hạn mùa khô 2016).
Trước mắt, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét tiếp tục bổ sung nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến kênh cấp nước Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân; hỗ trợ bổ sung vốn đẩy nhanh tiến độ thi công công trình tiếp nước Biển Lạc – Hàm Tân. Tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ xem xét đầu tư công trình hồ Sông Lũy giai đoạn 2, công trình hồ La Ngà 3... để phục vụ công tác chống hạn lâu dài trên địa bàn tỉnh.
Trong chiều nay, Bộ trưởng Cao Đức Phát cùng đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đến khảo sát tại cánh đồng Bà Nao, vùng khô hạn nhất huyện Bắc Bình, phải bỏ hoang do thiếu nước trong vụ đông xuân; đi khảo sát các công trình thủy lợi phục vụ công tác chống hạn đang triển khai xây dựng tại hai huyện Bắc Bình và Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận./.