“Nếu người Việt tiếp tục tự đầu độc đồng loại bằng chất cấm, sẽ làm hỏng cấu trúc gen của giống nòi” là thông điệp được đưa ra tại hội thảo “Quản lý chất cấm và các vấn đề đặt ra” do Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Báo Lao động tổ chức hôm nay(25/4) tại Hà Nội. Tham dự hội thảo còn có đại diện lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Y tế, Công an.
Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng và thanh tra chuyên ngành các Bộ, ngành Trung ương đã phát hiện và xử lý hàng trăm vụ việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Qua đợt cao điểm kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi từ ngày 20 tháng 10 năm 2015 đến ngày tháng 2 năm 2016 do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo, đã truy xuất được nguồn gốc của các loại chất cấm trong chăn nuôi đang bị lạm dụng là chất Sabutamol và chất Vàng Ô. Đây là 2 hoạt chất thuộc nhóm Bê ta A-gô-nít bị cấm sử dụng trên thế giới trong chăn nuôi.
Bà Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia, Bộ Y tế cho rằng, tình trạng mất an toàn thực phẩm nói chung và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nói riêng là mối lo ngại không chỉ đối với các cơ quan chức năng mà còn đối với mọi người dân.“Nhóm Bê ta A-gô nít tồn dư nhiều trong thực phẩm sẽ gây ra ngộ độc cấp tính, nếu sử dụng liều cao có thể gây phù nề dẫn đến viêm loét và liệt cơ. Đặc biệt nguy hiểm đối với nhịp tim và rung cơ đối với những người bị bệnh tim mạch và cao huyết áp. Nếu chúng ta sử dụng thực phẩm chứa hoạt chất này trong thời gian dài sẽ dẫn nhiễm độc gan”- Bà Lê Thị Hồng Hảo cho biết
Để xây dựng nền nông nghiệp sạch với nguồn thực phẩm gia súc, gia cầm sạch đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và uy tín phục vụ xuất khẩu, nhiều đại biểu cho rằng, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cần khuyến khích và phổ biến các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, các địa chỉ kinh doanh thực phẩm sạch để người tiêu dùng lựa chọn. Thực tế trong sản xuất chăn nuôi đã xuất hiện nhiều các mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh theo chuỗi khép kín từ chuồng trại tới cửa hàng và bếp ăn đảm bảo cung cấp thịt, trứng, sữa chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật làm hành lang pháp lý cho công tác quản lý và thanh tra, kiểm tra chất cấm, đảm bảo tính răn đe.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, điều hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tăng cường thanh tra, kiểm tra với hình thức đột xuất thông qua điều tra, trinh sát. Xác định đối tượng, khâu, địa bàn trọng tâm, trọng điểm để tập trung nguồn lực thanh tra, kiểm tra hiệu quả….Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, Bộ đang được phân công quản lý 19 chuỗi sản phẩm và nhóm sản phẩm nông sản. Mặc dù chất cấm trong chăn nuôi đã cơ bản được kiểm soát nhưng chưa bền vững, nếu không duy trì việc kiểm soát quyết liệt và thường xuyên như hiện nay chất cấm có thể bùng phát trở lại. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ bảo vệ người tiêu dùng bảo vệ sức khỏe giống nòi người Việt mà đảm bảo khả năng cạnh tranh và uy tín của các sản phẩm chăn nuôi trong nước khi hội nhập.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh: Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lấy năm 2016 là năm thực hiện cao điểm an toàn thực phẩm, theo đó ngoài ngăn chặn chất cấm Sabutamol và Vàng Ô trong chăn nuôi sẽ kiểm tra tình trạng lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả, kém chất lượng để tuyên truyền cho người dân và toàn xã hội biết được sự nguy hại của những chất cấm trong chăn nuôi, và ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng. Từ đó tạo niềm tin đối với người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm an toàn góp phần quảng bá tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm./