WASHINGTON, ngày 29/4/2016 — Ban Giám đốc Ngân hàng Thế giới đã phê duyệt khoản vốn trị giá trên 500 triệu USD phục vụ cải tạo đường giao thông, cầu dân sinh và kiểm soát lũ, cải thiện điều kiện vệ sinh tại Việt Nam.
Dự án Xây dựng Cầu Dân sinh và Quản lý Tài sản Đường Địa phương, trị giá 385 triệu USD thực hiện theo phương thức giải ngân dựa trên kết quả, sẽ hỗ trợ cải tạo đường giao thông nông thôn, giúp giảm chi phí đi lại tại các tỉnh trong dự án, đem lại lợi ích cho trên 2,5 triệu người và 800 cộng đồng hiện vẫn bị chia cắt.
Dự án sẽ hỗ trợ thực hiện một phần Chiến lược Quốc gia Phát triển Giao thông Nông thôn, với khoản vốn 135 triệu USD sẽ giúp cải tạo 676 km đường giao thông và duy tu 48.578 km đường nông thôn khác tại 14 tỉnh mục tiêu. Trong hợp phần Xây dựng Cầu dân sinh, dự án cũng cung cấp 245,5 triệu USD cho công tác xây mới và xây dựng lại 2,174 cầu dân sinh kết nối các cộng đồng khó khăn và chưa được kết nối với mạng lưới giao thông tại 50 tỉnh trong cả nước. Ngoài ra, hợp phần cũng cung cấp 4,5 triệu USD hỗ trợ kỹ thuật cho công tác triển khai thực hiện dự án.
Theo phương thức giải ngân dựa trên kết quả, việc giải ngân sẽ được gắn trực tiếp với các kết quả cụ thể, có thể xác minh được, ví dụ số km đường cải tạo hoặc nâng cấp, số cầu mới xây dựng hoặc xây dựng lại. Khoản vốn cho dự án này do Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) của Ngân hàng Thế giới cấp. Đây là nguồn vốn dành cho những nước nghèo nhất
Ngoài ra, Dự án Quản lý Lũ lụt và Thủy lợi Vĩnh Phúc cũng sẽ phục vụ trực tiếp người dân sống trong khu vực hay bị lũ lụt dọc lưu vực sông Phan nhờ tăng cường năng lực quản lý lũ lụt và xử lý nước thải.
Dự án sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng chống lũ, thu gom và xử lý nước thải, và nâng cao năng lực dự báo và phòng chống lũ cho tỉnh. Dự án sẽ bảo vệ 255.000 dân địa phương, gồm 60% sống tại địa bàn nông thôn và 40% tại các thị xã, thị trấn nhỏ trên diện tích 5.720 ha trong tổng số 8.390 ha hay bị lũ lụt trong vòng 10 năm gần đây. Dự án cũng sẽ cải thiện vệ sinh cho khoảng 120.000 người tại 4 thị trấn và 33 làng, đồng thời xây dựng một hệ thống cảnh báo lũ lụt sớm và ứng phó khẩn cấp cũng như một cơ chế quản lý lưu vực sông.
Khoản vốn 150 triệu USD này do Ngân hàng Tái thiết và Phát triển, nhánh cho vay các nước thu nhập trung bình của Nhóm Ngân hàng Thế giới, cho vay.