Vấn đề an toàn thực phẩm đang được dư luận xã hội hết sức quan tâm. Tuy nhiên để có chuỗi thực phẩm an toàn từ SX đến bàn ăn cần có sự vào cuộc của các bên như Nhà nước, nhà nông, doanh nghiệp… NNVN đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Tấn Bản, GĐ Sở NN-PTNT Khánh Hòa về vấn đề này.
|
Ông Lê Tấn Bản |
Theo ông Bản, một chuỗi thực phẩm an toàn hiểu một cách ngắn gọn là chuỗi SX đó phải đảm bảo an toàn theo quy định ở tất các các mắt xích tham gia trong chuỗi...
Đảm bảo an toàn từ các "mắt xích"
Để có được thực phẩm an toàn từ khâu SX đến bàn ăn theo ông quan trọng nhất khâu nào?
Theo tôi thực phẩm an toàn phải được SX từ các cơ sở đảm bảo an toàn thực phẩm từ khâu SX ban đầu đến sơ chế, chế biến, bảo quản và kinh doanh. Cần có sự kiểm tra, kiểm soát thực phẩm ở tất cả các mắt xích tham gia trong chuỗi. Muốn vậy phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở NN-PTNT, Sở Công thương và Sở Y tế trong công tác kiểm tra, giám sát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Việc bảo đảm an toàn thực phẩm của tất cả các khâu tham gia trong chuỗi SX thực phẩm đều rất quan trọng. Một sản phẩm đảm bảo ở khâu SX ban đầu nhưng quá trình sơ chế, chế biến kinh doanh không đảm bảo thì thực phẩm đó cũng không đảm bảo an toàn và ngược lại.
Tuy nhiên, trong các mắt xích thì khâu SX ban đầu là quan trọng nhất. Hiện nay, vẫn còn tình trạng sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; thuốc trừ sâu, BVTV trong trồng trọt. Do đó nếu không có sự kiểm tra, kiểm soát tốt đối với mắt xích này thì sẽ rất khó để có thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng.
Tỉnh Khánh Hòa hiện có bao nhiêu mô hình SX theo chuỗi hiệu quả? Ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm trong công tác quản lý SX chuỗi?
Trong thời gian qua, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản phối hợp với các địa phương xây dựng thành công 3 mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn theo VietGAP. Cụ thể: Chuỗi cung cấp rau an toàn theo VietGAP tại xã Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa; thôn Đắc Lộc, TP Nha Trang và mô hình bưởi da xanh, xoài, sầu riêng trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh.
Hiện các sản phẩm được chứng nhận phù hợp với quy trình VietGAP tại các mô hình đang được tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng kinh doanh trên địa bàn Nha Trang như siêu thị Co.oopmark, Big C, Megamarket, Thực phẩm sạch 3F…
Để mô hình triển khai thành công được biết đến trên thị trường thì các cơ quan quản lý cần tích cực trong khâu quảng bá sản phẩm như: Tổ chức các hội thảo xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ giữa các HTXNN với các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể nhằm đẩy mạnh việc tiêu thụ nông sản sạch.
|
Mô hình rau VietGAP ở xã Ninh Đông |
Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch tổ chức các chương trình tham quan du lịch sinh thái tại các trang trại, các vùng trồng trái cây vào mùa vụ thu hoạch với hình thức vừa tham quan, vừa sử dụng. Qua đó quảng bá thương hiệu các sản phẩm chủ lực tại các địa phương đến du khách.
Chiến lược dài hơi với thực phẩm sạch
Trên thực tế, vẫn còn một số mô hình về thực phẩm an toàn triển khai theo chuỗi nhưng không hiệu quả. Ông có thể nêu ra một số biện pháp tháo gỡ và định hướng lâu dài?
Như đã nói ở trên, hiện các mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn đã bước đầu phát huy được hiệu quả. Các sản phẩm SX theo quy trình VietGAP đã được người tiêu dùng đón nhận. Tuy nhiên, hiện SX theo chuỗi vẫn còn gặp một số khó khăn, cụ thể:
Đầu ra các sản phẩm được SX theo quy trình VietGAP chưa thật sự ổn định. Các sản phẩm này mới chủ yếu tiêu thụ tại các siêu thị, các điểm kinh doanh trên địa bàn Nha Trang mà chưa tiếp cận được nhưng nơi có nhu cầu tiêu thụ rất lớn như các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể...
Ngoài ra, điều kiện thời tiết, khí hậu chưa thuận lợi cho việc SX, đặc biệt là SX rau, củ, quả. Nhiều địa phương đã chú trọng đầu tư hệ thống nhà kính, nhà lưới. Tuy nhiên SX chưa có hiệu quả. Bên cạnh đó, nhiều chủng loại các sản phẩm vẫn thiếu tính đa dạng trên thị trường...
Trong thời gian tới, để các mô hình SX thực phẩm nông lâm thủy sản theo chuỗi đi vào phát triển hiệu quả, góp phần đem lại thu nhập ổn định cho người SX, Sở NN- PTNT sẽ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các địa phương, các đơn vị liên quan thực hiện một số nội dung sau:
Xây dựng, hình thành các HTX rau, quả, an toàn theo VietGAP để từ đó có hướng hỗ trợ SX, liên kết tiêu thụ sản phẩm được SX đảm bảo an toàn theo VietGAP. Ngoài ra, các HTX cũng cần phải tổ chức lại SX để đa dạng chủng loại các sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể.
Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, thanh tra, kiểm tra, giám sát ở tất cả các khâu trong chuỗi. Tăng cường lấy mẫu giám sát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm tại tất cả các khâu, trong đó tập trung lấy mẫu giám sát tại khâu SX ban đầu.
Phối hợp với các đơn vị thuộc Sở Y tế, Công thương trong việc kiểm tra việc tuân thủ các quy định trong sử dụng các thực phẩm nông lâm thủy sản tại các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể; đồng thời tuyên truyền, khuyến khích khách hàng sử dụng rau, quả, trái cây đã được chứng nhận VietGAP từ các HTX.
|
Sản phẩm rau sạch Ninh Đông có mặt ở các siêu thị |
Khánh Hòa là tỉnh có thế mạnh về du lịch, vậy định hướng lâu dài cho ngành nông nghiệp Khánh Hòa trong tương lai là gì? Có gắn với phát triển triển theo chuỗi thực phẩm an toàn không?
Khánh Hòa là một trong những tỉnh phát triển du lịch mạnh nhất trong cả nước nên công tác đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm cho người dân và du khách luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm hàng đầu. Có thể nói việc SX thực phẩm an toàn, đặc biệt là SX theo chuỗi luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo sâu sát.
Để tiếp tục hình thành ngày càng nhiều mô hình SX thực phẩm an toàn theo chuỗi, Sở NN-PTNT đã tham mưu UBND tỉnh, HĐND tỉnh ban hành các chính sách, chương trình, đề án kế hoạch như: chính sách hỗ trợ phát triển SX nông nghiệp và dịch vụ nông thôn giai đoạn 2016-2020, chính sách hỗ trợ phát triển SX nông nghiệp và dịch vụ nông thôn giai đoạn 2016-2020, kế hoạch phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn giai đoạn 2017-2020…
Theo đó, giai đoạn từ năm 2017-2020 Sở NN-PTNT sẽ chỉ đạo Chi cục QLCL Nông lâm sản và thủy sản tiếp tục hỗ trợ nhân rộng, phát triển các mô hình đã được chứng nhận VietGAP. Đồng thời tiếp tục xây dựng 5 mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn theo VietGAP, trong đó có 2 mô hình rau, củ, quả, 2 mô hình chuỗi cung cấp thịt gia cầm và sản phẩm từ thịt heo và 1 mô hình chuỗi cung cấp thủy sản nuôi.
Ngoài ra, Sở sẽ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc, phối hợp với các địa phương đẩy mạnh triển khai chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, trong đó tập trung chuyển đổi giống cây trồng có thế mạnh ở các địa phương như bưởi da xanh, xoài, chuối, đu đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng rất lớn...
Xin cảm ơn ông!