Mô hình “Nuôi kín tôm thẻ đảm bảo an toàn sinh học” là mô hình được Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững – CRSD hỗ trợ thuộc hợp phần B. Đến nay, nhiều mô hình đã được thực hiện thành công mang lại hiệu quả cả về mặt kinh tế và môi trường. Đầu xuân Bính Thân 2016, thu hoạch tôm từ một thành viên mô hình mang lại tín hiệu triển vọng trong triển khai dự án CRSD tại Cà Mau.
Vào những nay đầu năm mới, ông Võ Hoàng Danh, thành viên tổ nuôi tôm công nghiệp thuộc vùng GAP Tân Điền, hôm qua (21/2/2016) đã thu hoạch tôm nuôi từ mô hình trình diễn mà “Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững” (CRSD) hỗ trợ. Diện tích ao nuôi 1.800 m2, thả tôm mật độ khoảng 100 con/m2 , Sau khoảng 90 ngày nuôi, tôm đạt kích cỡ 63 con/kg, sản lượng thu hoạch đạt 2.380 (năng suất đạt 13,2 tấn/ha). Trao đổi với chúng tôi ông Võ Hoàng Danh phấn khởi chia sẽ “Đây là sản lượng cao nhất của ao nuôi từ trước đến giờ. Trước khi tham gia vào dự án thì ông vẫn nuôi tôm thâm canh (nuôi 2 ao), không có ao lắng, không có sử dụng cá rô phi, không để ý đến lịch thời vụ nên hiệu quả không ổn định. Khi tham gia vào dự án thì chỉ nuôi 1 ao, ao còn lại sử dụng làm ao lắng kết hợp sử dụng cá rô phi để cấp nước, ngoài được hỗ trợ về kỹ thuật, thả giống đúng lịch thời vụ, chất lượng con giống tốt nên hiệu quả cao hơn, ông sẽ phát triển mô hình này và vận động người dân xung quanh áp dụng theo”.
Mô hình của ông Võ Hoàng Danh được thực hiện trong khuôn khổ Kế hoạch triển khai tại các vùng nuôi năm 2015 của Dự án “Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững” (CRSD), Ban PPMU Cà Mau đã triển khai phối hợp với Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Cà Mau và chính quyền địa phương ấp Tân Điền, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi và các Tổ cộng đồng tại vùng GAP Tân Điền để triển khai mô hình trình diễn “Nuôi kín tôm thẻ chân trắng đảm bảo an toàn sinh học”. Mô hình trình diễn của dự án ngoài đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật còn phải tuân thủ một số tiêu chí của VietGAP như: Có ghi chép sổ sách, không xả nước thải trực tiếp ra môi trường, phải có ao chứa nước thải, khu chứa bùn thải, chủ động trong giám sát môi trường và dịch bệnh, không sử dụng kháng sinh, có sử dụng cá rô phi trong suốt quá trình nuôi để cải tạo môi trường, … nhằm đảm bảo mục tiêu của Dự án là phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Hoạt động triển khai mô hình trình diễn được tiến hành song song với các lớp đào tạo, tập huấn về kỹ thuật nuôi tôm tuân thủVietGAP, tập huấn nâng cao năng lực của người dân trong phát hiện một số bệnh thường gặp trên tôm bằng phương pháp cảm quan,… nhằm giúp người dân ứng dụng lý thuyết vào thực tế sản xuất hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, việc triển khai mô hình còn tuân thủ chặt chẽ lịch thời vụ của tỉnh và huyện.
Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Quang Vinh – Tổ trưởng Tổ cộng đồng nuôi tôm công nghiệp của vùng GAP Tân Điền chia sẽ “trước đây ông Danh nuôi có vụ lời, vụ lỗ, sản lượng của ao nuôi chỉ dưới 2 tấn. Đây là sản lượng cao nhất của ao nuôi ông Vinh đến thời điểm hiện tại. Ông sẽ vận động bà con học tập, ứng dụng để nhân rộng mô hình của Dự án CRSD trong tổ cộng đồng vì mô hình này mang lại hiệu quả cao và bảo vệ môi trường”.
Hiện tại, Dự án CRSD đang còn 5 điểm trình diễn mô hình “Nuôi kín tôm thẻ đảm bảo an toàn sinh học” đang triển khai trên địa bàn tỉnh, kích cỡ tôm nuôi dao động từ 60 đến 70 con/kg, tôm đang phát triển tốt. Kết quả trên đã cho thấy việc trình diễn mô hình nuôi nói trên là phù hợp với trình độ, điều kiện của Cà Mau, đã chứng minh được định hướng của PCU và WB đối với hoạt động của PPMU là hoàn toàn xác hợp, góp phần đáp ứng mục tiêu hợp phần B của Dự án là PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG