Vừa qua, Ban Quản lý dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) Cần Thơ đã tổ chức hội nghị tổng kết năm 2017, triển khai kế hoạch năm 2018.
|
Quang cảnh Hội nghị tổng kết VnSAT năm 2017 |
2017 là năm thứ hai (2016 - 2020) dự án VnSAT Cần Thơ chuyển tiếp sang giai đoạn đẩy mạnh việc xây dựng nhóm và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (TBKT) sau tập huấn; Tập trung các giải pháp giảm giống gieo sạ, xây dựng mô hình cơ giới hóa (gieo, cấy) theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT; Hỗ trợ có hiệu quả cho các HTX và tổ chức nông dân nâng cao năng lực đủ tiêu chuẩn để ưu tiên đầu tư; đồng thời thực hiện tốt công tác giám sát, đánh giá để thúc đẩy phong trào ứng dụng TBKT của nông dân.
Kết quả năm 2017 trên địa bàn 3 huyện SX lúa trọng điểm của TP Cần Thơ là Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai gồm 16 xã với gần 30.000ha, 25.000 nông hộ tham gia (trong tổng số 36 xã/thị trấn, với 70.000ha lúa của 3 huyện) và được bổ sung thêm 3 phường Trung Kiên, Tân Hưng và Thới Thuận của quận Thốt Nốt để thực hiện hợp phần SX nhân giống lúa xác nhận, nâng tổng diện tích thực hiện của dự án lên gần 33.000ha.
Bên cạnh công tác truyền thông thực hiện các chuyên đề trên báo chí, tổ chức tọa đàm, in và phát sổ tay tuyên truyền, BQLDA chú trọng đào tạo lực lượng cán bộ kỹ thuật của hệ thống khuyến nông và BVTV với 7/12 lớp khoảng 240 học viên; tổ chức đào tạo 451 lớp 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm cho hơn 25.300 nông dân, đạt 60% so mục tiêu đào tạo ban đầu, qua đó giúp nông dân áp dụng TBKT.
Cụ thể bước đầu giúp giảm lượng giống gieo sạ, phân bón và thuốc BVTV nên chi phí SX giảm 3,4 triệu đồng/ha so với ruộng SX theo tập quán cũ của nông dân bên ngoài DA.
Đến nay dự án đã hỗ trợ 15 HTX và THT và hiện đã có 7/15 tổ chức nông dân có số nông dân áp dụng kỹ thuật trên 30%; đồng thời tổ chức đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho các tổ chức nông dân/HTX; mở 3 lớp tập huấn SX lúa theo quy trình VietGAP, các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, an toàn hiệu quả trong sử dụng thuốc BVTV và 3 lớp tập huấn kỹ thuật SX giống cho các HTX.
Dự án đã thực hiện khảo sát về các đề xuất của 7 HTX về hướng đầu tư hạ tầng và trang thiết bị, bao gồm: 9 trạm bơm điện kết hợp với cống, 5 nhà kho, lò sấy. Dự án đã giới thiệu 7 doanh nghiệp tiếp cận thông tin dự án và bước đầu gắn kết với các tổ chức nông dân trong vùng dự án.
Mục tiêu kế hoạch trong năm 2018, số người hưởng lợi trực tiếp từ dự án là 13.660 lượt người, trong đó hơn 3.400 lượt nữ giới, chiếm 25%; Tăng lợi nhuận trên 20%/ha/hộ nông dân; Tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo kỹ thuật 3 giảm 3 tăng; 1 phải 5 giảm và hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho các tổ chức nông dân.
Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Trưởng Ban Chỉ đạo dự án VnSAT Cần Thơ nhấn mạnh: Năm 2018, dự án tập trung hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho các HTX. UBND các quận, huyện thành lập BCĐ để tập trung, chỉ đạo sâu sát hơn, có đầu mối xuống các xã, ấp. Phối hợp với các cơ quan báo, đài tăng cường công tác truyền thông, phổ biến các kết quả đã làm được, kinh nghiệm thực tiễn tại địa phương (như treo băng rôn, khẩu hiệu… tại các điểm trình diễn, các HTX. Tiếp tục tập huấn cho các bộ cấp huyện và cán bộ dự án. Đào tạo tập huấn cho nông dân về 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm. Xây dựng các điểm trình diễn theo chuỗi từ khâu làm đất, gieo sạ, ứng dụng kỹ thuật đến thu hoạch và bảo quản. Nâng cao năng lượng quản trị cho các HTX, tổ chức SX theo quy trình, liên kết bao tiêu tạo đầu ra ổn định. Có chính sách tín dụng cho các DN tham gia và tạo điều kiện để doanh nghiệp - nông dân gắn kết.