"Điều mà tôi trăn trở nhất hiện nay là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong nông sản, tôi quyết định lấy năm 2015 là năm vệ sinh an toàn thực phẩm, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và các địa phương đã rất ủng hộ cho quyết định này của Bộ NNPTNT. Về cơ bản đến hết năm 2014, chúng ta cung cấp đảm bảo về số lượng nông sản cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu, nhưng chất lượng sản phẩm đến nay chưa được cải thiện nhiều như sự mong đợi của nhân dân.
Vì vậy, trong năm 2015, Bộ NNPTNT và các đơn vị trực thuộc sẽ làm quyết liệt hơn để đáp ứng yêu cầu của nhân dân và quyền lợi của người tiêu dùng. Như trường hợp Nghị định 36/NĐ-CP quy định một số điều về xuất khẩu cá tra như vấn đề mạ băng và độ ẩm (hàm lượng nước ở trong cá). Đưa ra chỉ tiêu cụ thể như vậy là chúng ta hướng tới cung cấp cho thị trường trong nước và thế giới những sản phẩm có chất lượng, nâng cao uy tín của cá tra của Việt Nam. Khi chúng ta mua sản phẩm cá về mà độ ẩm 15% và mạ băng 20% thì tỉ lệ cá chỉ còn 65%. Nếu là người tiêu dùng thì chắc chắn chúng ta bị thiệt, còn nếu xuất khẩu thì khi người tiêu dùng nước ngoài sử dụng cá trọng lượng 1kg nhưng thực tế chỉ có 650g dẫn tới uy tín của sản phẩm, nhà cung cấp sẽ bị ảnh hưởng.
Liên quan đến mặt hàng tôm, ở phía Nam có phản ánh bơm tạp chất vào tôm và có hiện tượng thương lái của Trung Quốc đặt hàng nguyên liệu của Việt Nam rồi xuất sang nước thứ 3 là điều rất đáng lo ngại về uy tín sản phẩm của Việt Nam. Việc bơm tạp chất vào tôm là hành vi gian lận thương mại, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 20/CT-TTg và Bộ NNPTNT có văn bản ngăn chặn tình trạng này. Hiện nay, Bộ NNPTNT đang phối hợp với cơ quan công an, chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra và xử lý. Đồng thời tôi cũng có yêu cầu cơ quan quản lý chất lượng của Bộ ngăn chặn buôn bán giao thương kể cả hàng lậu để hạn chế tình trạng gian lận thương mại.
Trong năm 2015, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi sẽ được triển khai tích cực. Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn trong các loại nông sản. Hiện còn khoảng từ 5 - 6% rau, củ, quả tồn dư thuốc BVTV. Còn đối với thủy sản, chăn nuôi vẫn còn tồn dư chất cấm, kháng sinh trong thịt, thủy sản cũng có vấn đề nhiễm vi sinh, nấm mốc, có tình trạng người nuôi tự trộn kháng sinh vào thức ăn ảnh hưởng chất lượng vật nuôi… Chất cấm được đưa vào trong chăn nuôi bằng 2 con đường. Một số doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đưa vào và người nuôi tự pha trộn. Trong năm 2015, vấn đề kháng sinh và chất cấm Bộ NNPTNT đang chỉ đạo cơ quan thú y giám sát chủ yếu ở địa phương để hướng tới không còn chất cấm trong chăn nuôi. Cơ quan thú y sẽ tăng cường giám sát và xử lý nghiêm một số doanh nghiệp. Tuy nhiên vấn đề này muốn giải quyết triệt để cần sự vào cuộc tích cực của các địa phương giám sát tới từng hộ chăn nuôi cá thể. Cơ quan chức năng muốn phát hiện được chất cấm trong thức ăn chăn nuôi cần phải giám sát tại lò mổ trên cơ sở đó truy ngược nguồn gốc vật nuôi. Ngoài ra, cơ quan kiểm tra cũng sẽ giám sát việc buôn bán vật tư nông nghiệp".
Dưới tư cách là người tổng chỉ huy của ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cũng rất lạc quan: "Nếu chúng ta kiểm soát chặt, nâng cao ý thức của người nông dân, người tiêu dùng đưa ra thị trường những sản phẩm có chất lượng thì vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong nông nghiệp về cơ bản sẽ được giải quyết".