Bảo vệ mái dốc một số công trình hạ tầng miền núi phía Bắc
bằng giải pháp phi công trình.
KSCC. Hoàng Tuấn
Cục Quản lý xây dựng công trình
Miền núi phía Bắc là khu vực dễ bị tổn thương lớn bởi tác động của biến đổi khí hậu. Nhất là trong những năm gần đây, cường độ bão,mưa, lũ gia tăng, nắng nóng, hạn hán kéo dài, thảm phủ thực vật giảm thiểu làm thiệt hại lớn về người, tài sản, công trình; gây tổn thất lớn trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn của cộng đồng dân cư các dân tộc thiểu số.
Để hỗ trợ đầu tư giảm thiểu rủi ro thiên tai và phát triển kinh tế xã hội cho khu vực này, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã triển khai thực hiện Dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn bền vững các tỉnh miền núi phía Bắc” bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), khoản vay 2682-2683 VIE(SF) trên địa bàn 15 tỉnh (Bắc Kạn, Bắc Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái);
Cùng với việc triển khai Dự án nói trên, Liên Hợp Quốc (UNDP) và ADB đã phối hợp viện trợ một khoản không hoàn lại từ Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) để thực hiện Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với khí hậu cho cơ sở hạ tầng các tỉnh miền núi phía Bắc”; với mục tiêu áp dụng những công nghệ sinh học có hiệu quả nhằm tăng cường sức bền và giảm nhẹ khả năng dễ bị tổn thương của các công trình hạ tầng nông thôn trước những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu; đồng thời hỗ trợ một khung chính sách cho phép nhân rộng các mô hình ra các địa phương ở vùng núi phía Bắc, nâng cao sự phát triển bền vững cho các tỉnh ở vùng núi phía Bắc Việt Nam”.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số 2254/QĐ-BNN-HTQT ngày 19/9/2012 phê duyệt “Dự án tăng cường khả năng chống chịu với khí hậu cho cơ sở hạ tầng các tỉnh miền núi phía Bắc”. Trong đó, nhiệm vụ chủ yếu là nghiên cứu, xây dựng 4 mô hình ứng dụng giải pháp công nghệ sinh học cho kết cấu bảo vệ, chống sạt lở mái dốc kè bờ sông, suối, và đường giao thông trên phạm vi 3 tỉnh Bắc Kạn, Sơn La, Thái Nguyên.
Việc triển khai nghiên cứu, xây dựng 4 mô hình trên đã và đang được các chuyên gia tư vấn trong nước và quốc tế (Trung tâm quốc tế về quản lý môi trường- ICEM) tích cực thực hiện. Tính đến 30/5/2015, hai trong số bốn mô hình đã được hình thành đang hứa hẹn những thành công bước đầu của việc ứng dụng giải pháp công nghệ sinh học cho kết cấu bảo vệ, chống sạt lở mái dốc kè bờ sông, suối tại tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Sơn La.
Hai mô hình thí điểm chống sạt lở mái dốc bên đường giao thông (taluy dương) tại tỉnh Sơn La và Thái Nguyên đang được tiếp tục nghiên cứu thiết kế để thực hiện các thủ tục thẩm định, phê duyệt vào cuối quý II/2015.
|
Hình ảnh: Mô hình thí điểm kè sinh học xã Thanh Mai, huyện Chợ mới, tỉnh Bắc Kạn trên diện tích 800m2, được thiết kế với tần suất lũ PTK= 10%. Chân kè, thí điểm 2 giải pháp: gia cố bằng đá hộc, kết hợp gia cố bằng đá hộc và hom Si. Mái kè thí điểm 4 giải pháp gia cố: trồng bó hom cây Pượu loại đường kính d=2-4cm; trồng cây Pượu loại đường kính d=4-5cm; trồng bó hom cây si xen chéo hom cây Pượu; trồng cỏ Vetiver. Chiều dài bờ sông được gia cố bảo vệ: 106m, chiều cao lớn nhất Hmax= 4,70 m, hệ số mái m=1,0-5,0.
|
|
Hình ảnh: Mô hình thí điểm kè sinh học xã Thôm Mòn, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La trên diện tích 750 m2, được thiết kế với tần xuất lũ PTK=10%. Chân kè, thí điểm 2 giải pháp: gia cố bằng rọ đá, gia cố bằng đá hộc kết hợp trồng cọc cây tươi. Mái kè thí điểm 5 giải pháp: trồng bó hom cây Mảy Chạy; trồng cọc cây tươi; rọ đá kèm cọc cây Mảy Chạy; rào chắn bằng cây Mảy Chạy; trồng cỏ Vetiver. Chiều dài bờ sông được gia cố bảo vệ: 111m, chiều cao lớn nhất Hmax= 3,36m, hệ số mái m=1,5-2,0.
|
Trong quá trình triển khai thực hiện các mô hình trên, các chuyên gia tư vấn quốc tế đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng của Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức nhiều cuộc hội thảo giới thiệu, trao đổi, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện từng giai đoạn của dự án. Qua đó, đã giúp cho các cơ quan, đơn vị liên quan từ chủ quản đầu tư, chủ dự án, các Ban quản lý dự án và tư vấn nhận thấy cần tiếp tục làm tốt công tác chuẩn bị dự án. Việc tính toán lựa chọn các giải pháp công trình và phi công trình phải gắn với thực tiễn địa hình, địa chất khu vực và ưu tiên sử dụng loại cây trồng có sẵn tại địa phương. Đồng thời, các bên cũng nhận thấy rằng việc tổ chức chăm sóc, bảo dưỡng, bảovệ khu vực triển khai mô hình thí điểm giao cho địa phương cần phải thực hiện nghiêm túc để tiếp tục theo dõi, đánh giá tính khả thi, đáp ứng công tác xây dựng chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn nhằm triển khai nhân rộng mô hình trên toàn khu vực miền núi phía Bắc./.
|