Tăng cường đào tạo, tập huấn cho nông dân, tổ chức nông dân, đẩy nhanh tiến độ các tiểu dự án dầu tư hạ tầng phát triển sản xuất lúa gạo bền vững.
Tập huấn nâng cao
Tại An Giang, từ khi triển khai dự án đến vụ hè thu 2020, toàn tỉnh đã mở được 206 lớp tập huấn kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”, cho những nông dân lần đầu thực hiện, với gần 6 ngàn hộ nông dân tham gia, diện tích trên 10 ngàn ha. Song song đó, đã thực hiện 70 điểm trình diễn, với diện tích gần 150 ha để nông dân thực hành, tham quan.
Đào tạo “1 phải, 5 giảm” (loại I) cho những nông dân đã học kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” trong dự án, lần đầu được tập huấn, với 293 lớp, có gần 8 ngàn nông dân tham dự, diện tích gần 13 ngàn ha. Đào tạo “1 phải, 5 giảm” (loại II) cho những nông dân đã học trước và ngoài dự án, được 28 lớp, có 871 nông dân tham gia, diện tích canh tác 1.037 ha. Riêng từ đầu năm nay cho đến vụ hè thu 2020, đã mở được 6 lớp, có 200 nông dân “1 phải, 5 giảm”, diện tích 240 ha.
Về tập huấn nâng cao, vụ hè thu 2020, dự án VnSAT An Giang đã tổ chức các lớp tập huấn hỗ trợ kỹ thuật như luân canh cây trồng trên đất lúa, tập dụng sản phẩm phụ lúa gạo, nhân giống lúa xác nhận, sản xuất lúa theo hướng VietGAP - SRP…
Cụ thể, đã mở được 21 lớp, với 890 nông dân tham dự, gồm: 7 lới luân canh cây trồng cho 345 nông dân, 6 lớp tận dụng sản phẩm phụ lúa gạo, có 207 nông dân theo học, 3 lớp nhân giống lúa cho 100 nông dân và 11 lớp sản xuất lúa theo VietGAP - SRP, có 542 nông dân tham gia.
Ông Phạm Thành Tâm, Phó Trưởng phòng NN-PTNT, Tổ phó Tổ thực hiện dự án VnSAT huyện An Phú, tỉnh An Giang đánh giá, VnSAT là chương trình lớn, Dự án mục tiêu cấp quốc gia, quyết định sự phát triển ngành nông nghiệp, nông dân và nông thôn của từng địa phương.
Do vậy, Tổ dự án VnSAT huyện nhận được sự quan tâm thường xuyên, sâu sát và có sự lãnh chỉ đạo kịp thời của cấp ủy và UBND huyện. Sự phân công, phân nhiệm vụ từng thành viên của Tổ dự án mang lại hiểu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy tiến độ kế hoạch của dự án.
Bên cạnh đó, có sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự phối kết hợp giữa UBND và đoàn thể xã tham gia dự án, đã hỗ trợ phối hợp chặt chẽ, tăng cường vận động nông dân trong vùng dự án tham gia các lớp đào tạo và tuyên truyền cho người dân hiểu rõ mục tiêu và mục đích của dự án. Các tổ chức nông dân/hợp tác xã phát huy vai trò trong việc tổ chức nông dân để thực hiện dự án.
Theo ông Tâm, đến nay huyện đã tổ chức 58 lớp tập huấn 6 ngày về kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” cho các xã tham gia dự án, có 1.429 nông dân tham dự, với diện tích 1.754 ha, đạt 100% so với kế hoạch. Tương tự, đào tạo 3 ngày về các kỹ thuật tiên tiến nói trên được 51 lớp , có 1.340 nông dân tham dự, với diện tích 1.760 ha, đạt 100% so với kế hoạch. Thực hiện các lớp sử dụng phụ phẩm nông nghiệp đã tổ chức 26 lớp, có 1.061 nông dân tham dự.
Bên cạnh đó, huyện An Phú đã thực hiện trình diễn diện rộng được 14 mô hình, với diện tích 28 ha có 1.337 nông dân tham dự. Đây là điểm để nông dân trong và ngoài vùng dự án đến tham quan, cũng như thực hành, áp dụng các kỹ thuật đã được học vào thực tế.Đẩy nhanh dự án đầu tư hạ tầng
Dự án VnSAT hỗ trợ cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị cho tổ chức nông dân/hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến nay đã thực hiện được 11 tiểu dự án. Trong đó, có 5 tiểu dự án đợt 1, đã thực hiện trong năm 2019, với kinh phí trên 28 tỷ đồng. Đợt 2 thực hiện 6 tiểu dự án trong năm 2020, gồm các hợp tác xã: Vinacam, kênh 5A, kênh 8A, kênh 7B và Phú Hòa, với tổng kinh phí trên 41 tỷ đồng.
Cuối tháng 9 vừa qua, Ban quản lý dự án VnSAT Kiên Giang đã tổ chức lễ khánh thành và bàn giao tiểu dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cho tổ chức nông dân/HTX Phú Hòa (xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp).
Anh Nguyễn Văn Huỳnh, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Thanh niên Phú Hòa cho biết, tham gia dự án VnSAT, bên cạnh được tập huấn kỹ thuật cho xã viên, đơn vị được hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Tổng số vốn đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng là gần 8,9 tỷ đồng, trong đó vốn dự án VnSAT là 7,1 tỷ đồng, vối đối ứng của tỉnh trên 1 tỷ đồng, đóng góp của hợp tác xã Phú Hòa là 724 triệu đồng.
Cụ thể, các công trình xây dựng trong tiểu dự án, gồm: Cống kênh Út Oanh (xáng Tân Hội), hình thức xây dựng cống hở theo công nghệ truyền thống, Cống kênh Út Oanh (xáng Lung Lớn), hình thức xây dựng cống hở theo công nghệ đập xà lan, mái thượng, hạ lưu các cửa cống được gia cố bằng rọ đá, nhằm giảm xói lở khi bơm tát, phục vụ dẫn nước vào kênh mương nội đồng.
Ngoài ra, còn có đường giao thông nông thôn, gồm: Đường kênh Ba Vàng (xáng Tân Hội - Lung Lớn), có chiều dài hơn 2,5 km, chiều rộng mặt đường bằng bêtông là 4 m, đường kênh ngang Ba Vàng, có chiều dài 341 m, mặt đường bêtông rộng 4 m.
“Sau thời gian tích cực chuẩn bị, cuối tháng 3 dự án được triển thi công và chỉ hơn 6 tháng đã hoàn thành, vượt tiến độ thời gian theo hợp đồng trên 3 tháng. Mới đây, VnSAT đã khánh thành và bàn giao công trình lại cho địa phương quản lý và sử dụng. Với cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, sẽ giúp việc sản xuất lúa của bà con xã viên trong hợp tác xã chủ động hơn, mang lại hiệu quả kinh tế tốt hơn, bền vững và thích ứng với những tác động bất lợi do biến đổi khí hậu”, anh Huỳnh phấn khởi chia sẻ.
Ông Đỗ Minh Nhựt, Giám đốc dự án VnSAT Kiên Giang cho biết, năm 2016, dự án VnSAT được phê duyệt chi tiết và đi vào thực hiện trên địa bàn 5 huyện của tỉnh, gồm: Tân Hiệp, Giồng Riềng, Châu Thành, Hòn Đất và Giang Thành và 3 huyện mở rộng (năm 2017), là Gò Quao, U Minh Thượng và thành phố Rạch Giá. Số xã trong vùng dự án là 21 xã, với tổng diện tích 31.698 ha và hơn 15.800 hộ nông dân tham gia.
Các tổ chức nông dân đã được tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực là 46 hợp tác xã, trong đó có 20 hợp tác xã được đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ sản xuất. Cụ thể là các hợp tác xã đã nâng cao được năng lực tài chính, năng lực tổ chức, cơ sở hạ tầng hoàn thiện nên kết quả hoạt động kinh doanh tốt hơn, chủ động hơn trong sản xuất lúa. Công tác liên kết, tiêu thụ lúa gạo cũng được phát triển tốt hơn. Trước khi triển khai, trong vùng dự án của tỉnh chỉ có 960 ha sản xuất lúa có hợp đồng bao tiêu nhưng hiện nay đã tăng lên hơn 8.600 ha, vượt so với kế hoạch đề ra.
Nông dân trong vùng dự án áp dụng thành công các kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, qua đó góp phần giảm lượng giống gieo sạ từ 60-80 kg/ha, tương đương giảm khoảng 30% so với tập quán sản xuất truyền thống. Lượng phân bón giảm từ 20-30 kg/ha (khoảng 10-15%), chủ yếu là phân đạm Urê, số lần phun thuốc bảo vệ thực vật giảm 2-3 lần/vụ, tiết giảm từ 1,5 -2 kg thuốc độc hóa học/ha/vụ. Giảm lượng nước tưới, khoảng 30% chi phí bơm tưới/vụ. Năng suất lúa trong vùng dự án tăng lên khoảng 0,3 tấn/ha, giá thành sản xuất lúa giảm từ 300-350 đồng/1 kg, thu nhập của người trồng lúa tăng thêm khoảng 3,5-4,5 triệu đồng/ha.
Tại hội nghị giao ban thúc đẩy tiến độ dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững – VnSAT, hợp phần lúa gạo, được tổ chức ở Đồng Tháp vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đã chỉ đạo: “Phải tiếp tục tăng cường đào tạo, tập huấn cho nông dân, tổ chức nông dân để nâng cao tay nghề cũng như năng lực quản lý hợp tác xã. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các tiểu dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục sản xuất, giúp phát triển ngành hàng lúa gạo bền vững”. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm đối với các tỉnh, thành ở ĐBSCL tham gia dự án VnSAT.