Liên kết sản xuất, thực hiện bài bản, khoa học từ khâu chăm sóc, thu hoạch đến chế biến, tiêu thụ đã giúp cà phê Tây Nguyên nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh.
Nâng cao giá trị sản phẩm
Ông Nguyễn Viết Tốt, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ thương mại Quỳnh Tân (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông A Na, Đăk Lăk) cho hay, dự án VnSAT đầu tư cho HTX từ năm 2019 với các hạng mục như tưới nước tiết kiệm, tổ chức tập huấn sản xuất cà phê bền vững... Tất cả các hỗ trợ của dự án đều rất bổ ích, giúp HTX có điều kiện phát triển.
Dự án cũng đầu tư, xây dựng 2,6km đường giao thông nội đồng nên việc đi lại, sản xuất của bà con thuận lợi. Trước đây, khi dự án chưa đầu tư, việc sản xuất cà phê của các thành viên trong HTX gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề thiếu nước về mùa khô luôn rất nan giải. “Mô hình tưới nước tiết kiệm không chỉ giảm lượng nước tưới mà giúp chúng tôi tiết kiệm rất nhiều về công sức, chi phí phân bón...”, ông Nguyễn Viết Tốt thổ lộ.
Cũng theo ông Tốt, các tuyến đường giao thông nội đồng từng rất lầy lội vào mùa thu hoạch nay đã được bê tông hóa nên việc vận chuyển cà phê rất thuận lợi. Cà phê của HTX có thể thu hoạch và đưa đến nơi sơ chế, chế biến nhanh chóng, đảm bảo được tiến độ thu hoạch và xuất bán cho đối tác. Điều đặc biệt hơn là các thành viên trong HTX được tập huấn kiến thức, kỹ thuật canh tác nên phương thức làm cà phê ngày càng tiến bộ.
“Người dân có ý thức bảo vệ môi trường và biết cách chăm sóc phù hợp để giảm chi phí. Năng suất, sản lượng cà phê hàng năm vì thế cũng được nâng lên, chất lượng sản phẩm cũng được đảm bảo hơn so với trước”, ông Nguyễn Viết Tốt tâm sự và cho biết thêm, công nghệ chế biến ướt hiện tại ở HTX đang hoạt động rất hiệu quả. Đây là công trình được dự án hỗ trợ vào mùa vụ 2018-2019 vừa qua. Cà phê được sơ chế, chế biến bài bản nên có sức cạnh tranh mạnh, có giá bán cao hơn so với cà phê thông thường. Năm 2020, HTX sẽ kết nối với các doanh nghiệp và vận động người dân cùng tham gia.
Ông Võ Quýt, Phó giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Công Bằng Thuận An (xã Thuận An, huyện Đăk Mil, Đăk Nông) cho biết, thời gian qua, dự án VnSAT đã đầu tư, hỗ trợ rất nhiều cho HTX. Sự hỗ trợ này đã giúp HTX có điều kiện nâng cao sản xuất, tập trung vào sơ chế, chế biến để đưa sản phẩm cà phê ra thị trường. Sân phơi được đảm bảo và hệ thống sơ chế khoa học nên chất lượng cà phê được nâng cao.
“Các mô hình như tái canh, sản xuất cà phê bền vững của dự án hỗ trợ đã phát triển rất mạnh. Người dân địa phương thấy vậy cũng đến học hỏi để làm theo. Trong quá trình sản xuất, bà con được cán bộ nông nghiệp, chuyên gia về tư vấn nên vườn tốt hơn trước rất nhiều. Mô hình VnSAT rất tốt, rất hay. Trong khi nhiều người dân đang thiếu vốn để sản xuất thì có dự án hỗ trợ nên việc sản xuất không bị gián đoạn”, ông Võ Quýt nói.
Tại xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, Lâm Đồng, dự án VnSAT hỗ trợ HTX Tân Nghĩa về cơ sở hạ tầng, các mô hình điểm sản xuất cà phê bền vững và tập huấn kỹ thuật sản xuất cho bà con nông dân. Tất cả các chương trình đều đạt kết quả và được người dân quan tâm.
Ông Nguyễn Minh Ngọc, Phó giám đốc Hợp tác xã Tân Nghĩa chia sẻ: “Có thể nói rằng dự án VnSAT là nguồn lực thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp. HTX chúng tôi được hỗ trợ nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông, nhà kho, sân phơi... Khi chúng tôi đang gặp khó khăn thì được đầu tư vốn nên có điều kiện phát triển”.Theo ông Nguyễn Minh Ngọc, thông qua các buổi tập huấn, các cuộc hội thảo, người dân trồng cà phê đã lĩnh hội được nhiều kiến thức, khoa học, kỹ thuật mới để áp dụng vào sản xuất. Cùng với cách trồng trọt, việc sơ chế, chế biến của người dân cũng được nâng tầm giúp sản phẩm làm ra có giá trị cao và tăng cơ hội cạnh tranh trên thị trường.
“Hiện nay, phong trào làm cà phê sạch đang được người dân quan tâm, phát triển. Việc trao đổi kinh nghiệm sản xuất giữa người trong vùng dự án với ngoài vùng dự án cũng diễn ra thường xuyên, hình thành một phương thức sản xuất mới, hiệu quả cao hơn trước”, ông Nguyễn Minh Ngọc cho hay.
Đầu tư thêm vốn sản xuất
Từ những hiệu quả mà dự án VnSAT mang lại, ông Nguyễn Viết Tốt, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ và Thương mại Quỳnh Tân (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông A Na, Đăk Lăk) cho biết HTX rất mong muốn dự án tiếp tục đồng hành, hỗ trợ. Hiện nay, cà phê của HTX được khách hàng mua với giá cao hơn so với cà phê thông thường, đó là nhờ sự đầu tư của dự án VnSAT.
"Thời gian tới, chúng tôi mong muốn được hỗ trợ về cấp mã vùng trồng để đảm bảo truy xuất nguồn gốc và hỗ trợ thêm về kinh phí trong sản xuất. Hơn nữa, nhiều bà con đang gặp nhiều khó khăn trong vốn tái canh cà phê. Do vậy, chúng tôi mong muốn dự án VnSAT hỗ trợ nguồn vốn để bà con sớm có điều kiện thực hiện. Đồng thời mong các cơ quan chức năng có hỗ trợ về đầu vào như phân bón, các loại vật tư nông nghiệp để thuận lợi hơn trong sản xuất”, ông Tốt kiến nghị.
Ông Nguyễn Minh Ngọc, Phó giám đốc Hợp tác xã Tân Nghĩa (xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, Lâm Đồng) kiến nghị: “Mong muốn Ban quản lý dự án VnSAT kéo dài thời gian thực hiện để chúng tôi có điều kiện hoàn tất các hạng mục đang đầu dang dở. Ngoài ra, chúng tôi cũng mong muốn dự án nghiên cứu, có biện pháp linh động để thay đổi giữa các hạng mục để các HTX dễ dàng phát triển”.
Ông Đoàn Công Bình, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Thăng Bình 1 (xã Quảng Điền, huyện Krông A Na, Đăk Lăk) cho hay, dự án VnSAT đã hỗ trợ, tập huấn chăm sóc, tái canh cà phê cho các thành viên của HTX và nhiều hạng mục khác. Ông Bình chia sẻ, trước đây, người dân chủ yếu sản xuất theo phương thức truyền thống nên hiệu quả không cao. Chỉ đến khi làm theo các chương trình tập huấn thì năng suất, sản lượng mới vượt lên và giảm được chi phí đầu vào.
Cũng theo ông Bình, hiện nay, các mô hình điểm của HTX do VnSAT hỗ trợ đều có sự phát triển vượt bậc, năng suất nâng từ 2,5-3 tấn nhân/ha lên thành 4 tấn nhân/ha. Nhân cà phê đạt hơn so với trước nên việc bán nông sản diễn ra thuận lợi, giá cao hơn. Hiệu quả cao nên người dân ngoài vùng dự án cũng đến tham khảo, học hỏi kinh nghiệm sản xuất.
Ông Đoàn Công Bình, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Thăng Bình 1:
Người dân sản xuất cà phê đang gặp nhiều khó khăn do giá cả thị trường xuống thấp, do vậy, tôi kiến nghị Nhà nước quan tâm, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng cho người dân vùng cà phê. Mong muốn dự án hỗ trợ cho HTX về máy móc chế biến cà phê, sân phơi, nhà kho để chúng tôi ổn định sản xuất. Đặc biệt là thực hiện nhiều chương trình tập huấn để người dân nâng cao kỹ năng. Đặc biệt, vùng Krông A Na thường xảy ra tình trạng thiếu nước về mùa khô, gây thiệt hại nghiêm trọng đến năng suất cà phê. Do vậy, kiến nghị dự án VnSAT có phương án hỗ trợ vốn, hỗ trợ người dân phát triển rộng các mô hình tưới nước tiết kiệm.